Cuộc chiến dăm mảnh

    Doanh nghiệp sản xuất bột giấy không mua được đủ nguyên liệu gỗ đầu vào trong khi đó, lượng dăm, mảnh xuất khẩu của cả nước gấp gần chục lần nhu cầu này.

    Nhà máy bột giấy thuộc CTCP Giấy An Hòa tại Tuyên Quang có quy mô giai đoạn 1 là 130.000 tấn bột/năm và đã bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 8/2011. Tới hết tháng 3/2012, nhà máy đã sản xuất được trên 15.000 tấn bột giấy tẩy trắng, đạt độ trắng ISO trên 80% và dự kiến sẽ đạt công suất thiết kế sau 1 năm kể từ khi đi vào hoạt động. Để đảm bảo công suất 130.000 tấn bột/năm, lượng gỗ nguyên liệu mà nhà máy cần sẽ là 650.000 tấn/năm.

    Nhà máy bột giấy thiếu nguyên liệu

    Trên thực tế, CTCP Giấy An Hòa lại đang gặp khó khăn trong việc thu mua được đủ gỗ nguyên liệu cho sản xuất bột. Ông Trần Chiến Công, Tổng giám đốc CTCP Giấy An Hòa cho hay, lượng gỗ khai thác trên địa bàn đã được quy hoạch cho công ty phải chia sẻ cho các dự án sản xuất bột giấy khác của Công ty Giấy Bãi Bằng, Nhà máy Giấy Hải Hà. Ngoài ra, lượng gỗ khai thác còn được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như sản xuất ván sàn, đồ mỹ nghệ và đặc biệt là chế biến dăm, mảnh xuất khẩu.

    Theo kế hoạch, năm 2012, nhà máy bột giấy chỉ đạt được 70% công suất bởi không đủ nguyên liệu. Hiện công ty cũng đã được quy hoạch vùng nguyên liệu tại các tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên với diện tích 163.000 ha. Tuy nhiên, các diện tích này dù mới được quy hoạch từ năm 2009 tại hai địa phương là Tuyên Quang và Thái Nguyên hay tận tháng 11/2011 như tại Lào Cai thì việc triển khai cũng gặp những trắc trở nhất định.

    Ông Nguyễn Anh Tú, Giám đốc Công ty cổ phần Nguyên liệu giấy An Hòa cho hay, Công ty muốn được trực tiếp thuê đất để đảm bảo việc trồng rừng cũng như đảm bảo nguyên liệu đầu vào, nhưng giờ đất đã được giao hết cho nông dân hoặc cho các lâm trường. Do không thuê được đất để tự trồng với quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật nên Công ty đã bắt đầu thử nghiệm triển khai mô hình công ty cổ phần trong trồng rừng có sự tham gia của người nông dân với tỷ lệ hiện nay là 70% do nông dân nắm giữ.

    Ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy Việt Nam cho hay, gần 10 năm qua, ngành giấy chỉ có thêm duy nhất nhà máy bột giấy An Hòa công suất 130.000 tấn/năm đi vào hoạt động, trong khi phải trồng rừng từ trước đó, vậy nên khi nhà máy không sản xuất như kế hoạch thì gỗ thừa khi đến kỳ thu hoạch, dẫn tới câu chuyện xuất khẩu dăm mảnh như một lối thoát cho người nông dân trồng rừng.

    Trên thực tế, thuế xuất khẩu dăm, mảnh được tăng từ 0% lên 5% kể từ năm 2012. Tuy nhiên, tại rất nhiều cửa khẩu, việc lựa chọn mã HS để áp thuế xuất khẩu đối với dăm mảnh đang là câu chuyện gây tranh cãi giữa doanh nghiệp với cơ quan hải quan. Nguyên do là bên cạnh mã HS 4401 đối với dăm gỗ xuất khẩu làm bột giấy có thuế xuất khẩu là 0% đã được quy định bấy lâu và phù hợp với các quy định của WTO và AFTA thì còn có thêm mã HS 4404 quy định thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu.

    Doanh nghiệp xuất khẩu: hạ thuế để hỗ trợ dân

    Không đồng ý với đề xuất tăng thuế xuất khẩu dăm mảnh lên 20% của An Hòa các nhà xuất khẩu dăm mảnh thậm chí còn đề nghị hạ thuế xuất khẩu xuống mức 0% so với mức 5% hiện nay để tạo điều kiện cho người nông dân trồng rừng.

    Ông Nguyễn Nỵ, Giám đốc Công ty TNHH nguyên liệu giấy Dung Quất cho hay, giai đoạn 2000-2005, 1 ha bán cây đứng tại rừng đạt từ 50-60 triệu đồng, người trồng rừng đã được hưởng lợi từ việc trồng rừng theo đúng kỹ thuật hướng dẫn. Còn giai đoạn 2006-2011 với chu kỳ trồng 5-10 năm, một người nông dân trồng rừng hoặc làm trang trại có thể có thu nhập khá lớn, cỡ 500 triệu đồng.

    Bởi vậy, nếu áp thuế xuất khẩu dăm gỗ, trong điều kiện giá xuất khẩu không thay đổi chắc chắn sẽ khiến giá thu mua gỗ rừng trồng sẽ bị tác động theo, khiến bà con nông dân không mặn mà với việc trồng rừng, dẫn tới tái diễn tình trạng đất trống, đồi trọc.

    Cũng theo ông Nỵ, nhu cầu của CTCP Giấy An Hòa so với thực tế rừng trồng ở khu vực Tây Bắc cũng là bé nhỏ, bởi thực tế hàng năm Công ty Giấy Bãi Bằng vẫn đang thừa khoảng 1 triệu m3 gỗ nguyên liệu để xuất khẩu tại Cái Lân (Quảng Ninh), sau khi đã đảm bảo nguyên liệu gỗ đầu vào cho nhà máy sản xuất bột giấy của Bãi Bằng với công suất 250.000 tấn/năm. Bởi vậy, không thể thay đổi chính sách vì sự khó khăn của một công ty ở khu vực Tây Bắc trong việc thu mua gỗ nguyên liệu, làm ảnh hưởng đến trồng rừng và khai thác gỗ rừng trồng xuất khẩu qua dăm mảnh được.

    Lối ra thực tiễn

    Nói về nguyên nhân khiến CTCP Giấy An Hòa không chủ động được vùng nguyên liệu khi nhà máy bột giấy đã đi vào hoạt động, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nhẹ (Bộ Công Thương) cho hay, Công ty Giấy Bãi Bằng có sẵn 3 công ty đang trồng rừng ở Tuyên Quang từ nhiều năm nay, còn Nhà máy Giấy Hải Hà có công suất nhỏ, không ảnh hưởng nhiều tới tiêu thụ nguyên liệu gỗ của CTCP Giấy An Hòa. "Vấn đề của CTCP Giấy An Hòa là không có vùng trồng nguyên liệu do chính Công ty trực tiếp quản lý như Công ty Giấy Bãi Bằng nên không chủ động được nguyên liệu. Mặt khác hiện nay xuất khẩu dăm gỗ đang tăng mạnh, kéo theo giá gỗ nguyên liệu cũng tăng cao, khiến cho việc thu mua nguyên liệu của Công ty An Hòa càng khó khăn hơn", ông Dũng nhận xét.

    Hiện tại, giá dăm mảnh xuất khẩu tại Quảng Ninh (giá FOB) dao động từ 2,6-2,8 triệu đồng/tấn, khiến giá thu mua gỗ nguyên liệu tại Tuyên Quang của CTCP Giấy An Hòa đã được điều chỉnh liên tiếp 3 lần trong tháng 4, và hiện đạt mức 2 triệu đồng/tấn.

    Dĩ nhiên, với mức giá thu mua nguyên liệu gỗ đầu vào này, hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo. Đó là giá thành sản xuất của CTCP Giấy An Hòa dao động từ 18-19 triệu đồng/tấn bột, nhưng giá bán ra là khoảng 11-13 triệu đồng/tấn.

    Trước sự phản đối về đề xuất nâng thuế xuất khẩu dăm mảnh của các doanh nghiệp chế biến dăm mảnh, ông Tú cũng thừa nhận, việc nâng thuế xuất khẩu với dăm mảnh là không dễ dàng. "Vì vậy, trong cuộc họp mới đây với Bộ Công Thương, chúng tôi có đề nghị khoanh vùng, hạn chế xuất khẩu sản phẩm gỗ rừng trồng là dăm mảnh tại các khu vực Tây Bắc để tạo điều kiện cho CTCP An Hòa có thể mua đủ nguyên liệu từ trong nước, đảm bảo sản xuất. Còn các khu vực khác vẫn xuất khẩu bình thường bởi chưa có nhà máy bột giấy nào", ông Tú cho biết.

    Đáng chú ý là, ngay chính các doanh nghiệp đang chế biến gỗ rừng trồng cũng có đề xuất được vay vốn ưu đãi để xây dựng 3 nhà máy bột giấy có công suất tương đương 1 triệu tấn bột/năm. Điều đó cũng có nghĩa là các doanh nghiệp đều nhận ra được lợi ích của việc sử dụng nguyên liệu gỗ ngay trong nước. Chỉ có điều sức có hạn!

    Theo dddn

    Các tin cùng chủ đề